Tìm hiểu về Cuộc thi Piano quốc tế Chopin

Tìm hiểu về Cuộc thi Piano quốc tế Chopin
20h19 ngày 11-07-2021      2151 lượt xem

Lịch sử hình thành

Cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin (tiếng Ba Lan: Międzynarodowy Konkurs Pianistyczny im. Fryderyka Chopina), gọi tắt là cuộc thi Chopin, là một trong những cuộc thi dương cầm cổ điển lâu đời nhất và uy tín nhất trên thế giới. Do giáo sư Jerzy Żurawlew (1887–1980) sáng lập năm 1927, đây cũng là một trong số ít những cuộc thi chuyên về tác phẩm của một nhà soạn nhạc duy nhất. Cuộc thi Chopin được tổ chức 5 năm một lần tại Warszawa (Ba Lan), ngoại trừ thời kỳ gián đoạn 12 năm (1937‒1949) vì Chiến tranh thế giới thứ hai và khoảng cách 6 năm giữa lần thứ IV [1949] và lần thứ V [1955]. Từ năm 1957, cuộc thi piano quốc tế Chopin gia nhập và trực thuộc Liên đoàn thế giới các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Đến năm 2015, cuộc thi Chopin đã được tổ chức 17 lần. Cuộc thi lần thứ 18, đáng lẽ được tổ chức năm 2020, đã bị hoãn lại đến năm 2021, vì đại dịch COVID-19.

So với những cuộc thi âm nhạc cùng tầm vóc như Cuộc thi quốc tế Tchaikovsky tại Mạc Tư Khoa, Cuộc thi âm nhạc Nữ hoàng Elisabeth tại Bruxelles, Cuộc thi piano quốc tế Arthur Rubinstein tại Tel Aviv, Cuộc thi piano quốc tế Van Cliburn tại Fort Worth, cuộc thi Chopin có hai đặc điểm:

Chỉ có nhạc phẩm của Chopin được trình diễn: âm nhạc Chopin được thể hiện theo nhiều phong cách, cá tính khác nhau. Sự phong phú này chính là điều mà ban tổ chức mong đợi. Đại đa số thành viên ban giám khảo cũng là chuyên gia hàng đầu về Chopin.

Khoảng cách giữa hai kỳ thi rất dài: 5 năm, thay vì 4 năm (Tchaikovsky, Van Cliburn) hoặc 3 năm (Elizabeth, Arthur Rubinstein). Thời hạn 5 năm có ngay từ đầu [1927] và được duy trì cho đến nay, ngoại trừ trong hai giai đoạn: giữa lần III [1937] và lần IV [1949]; giữa lần IV [1949] và lần V [1955].

Cuộc thi Chopin thu hút nhiều nghệ sĩ trẻ tìm cơ hội tiến thân. Vì số người đăng ký dự thi ngày càng tăng (năm 2015: 450; năm 2010: 353; so với năm 1927: 32), nên hiện nay các thí sinh phải vượt qua hai vòng sơ tuyển. Vòng sơ tuyển thứ nhất dựa trên đĩa thu hình, giữ lại khoảng 160 thí sinh. Vòng sơ tuyển thứ nhì, có từ năm 2005, diễn ra tại Warszawa vào tháng 4. Vòng này gồm 30 phút trình diễn trước một hội đồng giám khảo, giữ lại khoảng 80 thí sinh cho cuộc thi chính vào tháng 10. Một số thí sinh có thành tích tối cao tại vài cuộc thi khác (có liệt kê trong điều lệ[1]) được nhận thẳng vào cuộc thi chính, khỏi phải qua sơ tuyển.

Cuộc thi chính tháng 10 diễn ra tại Nhà hát Quốc gia Warszawa. Từ năm 1965, giai đoạn này gồm 4 vòng: 3 vòng loại và 1 vòng chung kết. Trong vòng loại, các thí sính phải trình bày trong khoảng 45 phút một số nhạc phẩm của Chopin được ấn định trong chương trình. Thông thường:

  • Vòng 1 gồm các khúc Nocturne, Étude, Scherzo.
  • Vòng 2 gồm các bản Ballade, Valse và Polonaise.
  • Vòng 3 gồm các bản Sonate và Mazurka.

Sau mỗi vòng loại, chỉ còn lại phân nửa thí sinh được tiếp tục. Trong vòng chung kết, các thí sinh phải chơi một trong hai bản Concerto với Dàn nhạc Giao hưởng Warszawa.

Hội đồng giám khảo

Hội đồng giám khảo gồm từ 12 đến 30 thành viên do giám đốc cuộc thi bổ nhiệm, đa số là các nghệ sĩ dương cầm và giáo sư lỗi lạc đến từ nhiều nơi trên thế giới. Cho đến năm 2005, số giám khảo thường hơn 20 (năm 2005: 21; năm 2000: 23), có khi gần 30 (năm 1960: 37; năm 1955: 29), trong đó giáo sư nhiều hơn nghệ sĩ và hơn nữa cũng có vài nhạc trưởng, nhà phê bình và nhà soạn nhạc được mời tham dự. Từ năm 2010, số giám khảo giảm xuống dưới 20 (năm 2015: 17; năm 2010: 12), trong đó tất cả đều là nghệ sĩ hòa nhạc và giáo sư, với nhiều nghệ sĩ hơn giáo sư. Chủ tịch hội đồng giám khảo luôn là một nhạc sĩ người Ba Lan, chuyên về Chopin.

Tại vòng loại, mỗi thí sinh được mỗi vị giám khảo đánh giá bằng hai cách: (1) yes/no cho biết thí sinh được tham gia vòng kế tiếp theo và (2) một điểm tuyệt đối (năm 2015: từ 1 đến 25). Điểm của mỗi thí sinh là trung bình cộng của các điểm thu được, sau khi áp dụng một thuật toán để hạn chế ảnh hưởng của các điểm quá xa trung bình. Tương tự như vậy, tại vòng chung kết, mỗi thí sinh được đánh giá bởi một số điểm (năm 2015: từ 1 đến 10). Danh sách các thí sinh đoạt giải được thiết lập dựa trên tổng các điểm trung bình thu được trong 4 vòng. Bắt đầu từ năm 2010, điểm thưởng của từng vị giám khảo cho từng thí sinh được công bố, sau khi công bố kết quả.

Việt Nam có ai tham dự cuộc thi

Có thể nói là người Việt Nam đầu tiên đạt được giải thưởng Chopin lần thứ X năm 1980 ở Ba Lan đó là Đặng Thái Sơn cũng đồng thời là người Châu Á đầu tiên đạt giải nhất cuộc thi này, nghệ sĩ Châu Á đầu tiên được mời làm giám khảo cuộc thi. Ông là người có danh hiệu nghệ sĩ nhân dân trẻ tuổi nhất (năm 26 tuổi).

Tại cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ X (1980), Đặng Thái Sơn là một trong 3 thí sinh tới từ Nhạc viện Tchaikovsky. Hai thí sinh kia là Tatyana Shebanova (người Nga) (đoạt giải nhì) và Ivo Pogorelich (người Nam Tư). Cuộc thi này đã trở nên nổi tiếng trong lịch sử cuộc thi piano Chopin không chỉ vì đây là lần đầu tiên một người châu Á đã đoạt giải nhất, mà còn vì vụ tai tiếng xảy ra với Ivo Pogorelić, người đã bị loại khỏi vòng 3 vì lối chơi khác thường.


Cuối cùng, đừng quên nếu thấy bài viết ý nghĩa nhé!



Copyright © 2014 Hoàng Piano. All Rights Reserved.